Kinh Thánh hằng ngày – Lời sống hằng ngày – Ngày 20 tháng 12 năm 2017
Phá Tan Sự Im Lặng
Kết thúc Cựu Ước, Đức Chúa Trời có vẻ như đang ẩn mình. Dân Do Thái đã chờ đợi và tự hỏi trong suốt bốn thế kỷ. Có vẻ như Chúa im lặng, không quan tâm và không nghe lời cầu nguyện của họ. Chỉ còn lại một niềm hy vọng duy nhất: lời hứa xưa kia về Đấng Mê-si-a. Dân Do Thái đã gắn kết mọi việc vào lời hứa đó. Và rồi một điều quan trọng đã xảy đến. Họ được báo tin về sự ra đời của một con trẻ.
Bạn có thể nhận thấy sự vui mừng của dân chúng khi đọc những phản ứng của họ trong sách Lu-ca. Những sự kiện xung quanh sự ra đời của Chúa Jêsus giống như một bản nhạc đầy niềm vui. Những nhân vật nổi bật trong khung cảnh này là: một ông cụ tóc bạc trắng (Lu-ca 1:5-25), một trinh nữ đầy ngạc nhiên (1:26-38), nữ tiên tri già An-ne (2:36). Chính Ma-ri cũng đã trải lòng bằng một bài ca tuyệt vời (1:46-55). Thậm chí một người anh họ chưa chào đời của Chúa Jêsus cũng nhảy nhót trong bụng mẹ (1:41).
Lu-ca thận trọng đưa ra sự kết nối với những lời hứa về Đấng Mê-si-a trong Cựu Ước. Thậm chí thiên sứ Gáp-ri-ên còn gọi Giăng Báp-tít là một “Ê-li” được sai đến để dọn đường cho Chúa (1:17). Rõ ràng, một điều gì đó đang được chuẩn bị trên hành tinh Địa Cầu. Giữa vòng những người dân buồn thảm và thất bại ở một nơi xa xôi của Đế Quốc La Mã, một điều gì đó tốt lành đang xảy ra.
CHÚ GIẢI
Đấng Christ giáng sinh qua một trinh nữ không phải là phép lạ duy nhất trong câu chuyện Giáng Sinh. Sự ra đời của Giăng Báp-tít cũng kỳ diệu không kém. Xa-cha-ri, cha của ông là một thầy tế lễ thuộc dòng A-bi-gia (một thầy tế lễ trong thời vua Đa-vít, dòng dõi của A-rôn), phục vụ tại đền thờ Giê-ru-sa-lem mỗi năm hai lần. Ê-li-sa-bét, mẹ của Giăng, là một người bà con với Ma-ri và cũng thuộc dòng dõi của A-rôn (thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên). Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét đã trung tín tuân giữ luật lệ của Chúa, họ đã “cao tuổi” và không có con vì Ê-li-sa-bét hiếm muộn (Lu-ca 1:5–7). Chúa đã ban phước cho đôi vợ chồng già này có một đứa con – không phải một đứa con bình thường. Con trai của họ sẽ “được tôn trọng trước mặt Chúa” (c. 15) và “chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng cho Chúa” (c. 17).
Trong câu chuyện Giáng Sinh, chi tiết nào ý nghĩa với bạn nhất?